Tình hình khó khăn, hơn 30% Doanh nghiệp bất động sản giải thể sau 5 tháng
Trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng tới 30,4% so với kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh “sống còn”, có nguy cơ “chết trên đống tài sản”. Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp cần chủ động đưa ra kế hoạch đối phó với những tình huống không dự báo trước.
Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế và liên quan trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế khác tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động... ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, an sinh xã hội, việc làm.
Thị trường bất động sản 2023
Tuy nhiên thời gian qua, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý. Phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động... Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện 469/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc: vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.
Để thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, trong giai đoạn này, các nhà phát triển bất động sản cần tái cấu trúc sản phẩm, tập trung vào phân khúc phục vụ nhu cầu ở thật, giữ uy tín và cam kết để tạo lập niềm tin với nhà đầu tư và người mua.
Nguồn: Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam
Tham khảo thêm: